Ngày 30/3/2016, Bộ trưởng Bộ nông nghiệp và PTNT đã ban hành quyết định số 1032/QĐ-BNN-XD phê duyệt Dự án đầu tư xây dựng hệ thống báo động trực canh cảnh báo sóng thần cho vùng có nguy cơ cao
Quyết định phê duyệt Dự án là bước tiếp theo để thực hiện Quy hoạch hệ thống các trạm báo động trực canh cảnh báo sóng thần đã được phê duyệt tại Quyết định số 2195 ngày 11/6/2015 của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, nhằm từng bước đáp ứng yêu cầu phòng tránh, giảm nhẹ tác động của sóng thần gây ra nói riêng và thiên tai nói chung.
Quy mô của Dự án sẽ xây dựng 532 trạm trực canh cảnh báo sóng thần tại vùng ven biển, hải đảo có nguy cơ cao chịu tác động của sóng thần thuộc địa bàn 13 tỉnh, thành phố ven biển từ Hà Tĩnh đến Bà Rịa - Vũng Tàu. Bao gồm 35 trạm loại 1 (trạm xây mới hoàn toàn); 126 trạm loại 2 (trạm được lắp đặt tại các cột thu phát sóng BTS); 115 trạm loại 3 (trạm được lắp đặt trên các tòa nhà kiên cố) và 256 trạm loại 4. Dự án được chia thành 02 giai đoạn: Giai đoạn 1 từ năm 2016-2020, triển khai thực hiện lắp đặt hệ thống điều khiển chỉ huy tại các cơ quan Trung ương và xây dựng 281 trạm cảnh báo tại 7 tỉnh/tp ven biển từ Đà Nẵng đến Ninh Thuận là các tỉnh có nguy cơ sóng thần cao hơn; Giai đoạn 2 sau năm 2020 xây dựng 251 trạm trực canh tại 06 tỉnh/tp còn lại trong vùng dự án.
Mục tiêu của Dự án là xây dựng hệ thống báo động trực canh cảnh báo sóng thần cho các vùng có nguy cơ cao ở nước ta, kết hợp đa mục tiêu với việc cảnh báo các loại hình thiên tai khác nhằm chủ động phòng tránh, hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại về người và tài sản, góp phần phát triển ổn định kinh tế, xã hội, tăng cường quốc phòng an ninh, cụ thể:
(1) Đảm bảo nhận được thông tin nhanh nhất, kịp thời, chính thống thông qua hệ thống các trạm trực canh và tin nhắn điện thoại di động để chủ động phòng tránh, hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại về người và tài sản do sóng thần nói riêng và thiên tai gây ra nói chung, góp phần phát triển ổn định kinh thế - xã hội, tăng cường quốc phòng an ninh;
(2) Nâng cao năng lực truyền tin cảnh báo sóng thân và thiên tai khác từ cơ quan báo tin tới cơ quan chỉ đạo và các cấp chính quyền đại phương phục vụ công tác chỉ đạo, chỉ huy ứng phó;
(3) Nâng cao nhận thức cộng đồng trong công tác phòng tránh và giảm thiểu thiệt hại do thiên tai gây ra.
Theo thiết kế của Dự án, hệ thống cảnh báo sóng thần phục vụ điều hành chỉ huy sẽ được lắp đặt tại BCĐ TW về PCTT, Viện Vật lý địa cầu, TT Dự báo KTTV TW, UBQG TKCN và 13 tỉnh trong vùng Dự án; Hệ thống tiếp nhận, xử lý và lưu trữ thực hiện chức năng tiếp nhận lệnh từ cơ quan ra quyết định, phân tích xử lý và gửi lệnh đến đối tượng tiếp nhận là các trạm cảnh báo sóng thần và tin nhắn đến người dân. Hệ thống phát tín hiệu cảnh báo bao gồm các trạm cảnh báo sóng thần và hệ thống nhắn tin của các nhà cung cấp dịch vụ viễn thông; Hệ thống truyền tải dữ liệu để truyền tín hiệu điều khiển và dữ liệu từ hệ thống trung tâm đến các trạm cảnh báo sóng thần.
Dự án cũng xác định công tác tuyên truyền, phổ biến nâng cao khả năng ứng phó với sóng thần cho cộng đồng là một phần quan trọng và thuộc hợp phần 2 của Đề án xây dựng hệ thống báo động trực canh cảnh báo sóng thần cho vùng có nguy cơ cao được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 430.QĐ-TTg ngày 12/4/2012.
Nguồn : http://phongchongthientai.vn