Đổ rác không đúng giờ; để rác không đúng nơi quy định; quy hoạch, cải tạo nâng cấp, mở rộng khu tập kết rác thải sinh hoạt còn nhiều bất cập…, là những hạn chế cần sớm được khắc phục để môi trường nông thôn của Hà Nội ngày càng xanh - sạch - đẹp.
Công tác thu gom rác thải nông thôn trên địa bàn thành phố đã có nhiều chuyển biến tích cực, nhiều vùng quê đã sáng - xanh - sạch đẹp hơn. Tuy nhiên, ở một số nơi vẫn có không ít hạn chế trong công tác này cần sớm được khắc phục. Đơn cử, trên địa bàn huyện Thanh Oai còn nhiều điểm tập kết rác tạm thời hoặc rác không được đưa vào đúng nơi quy định mà đổ tràn lan, mùi hôi thối bốc lên nồng nặc.
Bà Nguyễn Thị Ân, xóm Giữa, xã Bích Hòa (huyện Thanh Oai) cho biết: “Sau khi thu gom rác trong khu dân cư, công ty môi trường đưa về đây tập kết, bao giờ đầy, mới chở đi xử lý. Như vậy rất bất cập”. Cách đó vài trăm mét, một điểm tập kết rác nằm gần kênh thủy lợi ven đường, rác thải tràn ra bờ kênh, túi ni lông bay vương vãi.
Theo Trưởng ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng huyện Thanh Oai Nguyễn Tiến Hải, địa bàn huyện phát sinh khoảng 90 tấn chất thải sinh hoạt rắn/ngày. Đơn vị vệ sinh môi trường đã thu gom 3 lần/tuần, cơ bản hết lượng rác phát sinh. Tuy nhiên, rác thải sau khi thu gom được chuyển về hơn 50 điểm tập kết tạm thời, đủ số lượng mới đưa đến khu xử lý nên còn tình trạng rác bốc mùi hôi thối. Ngoài ra, vẫn còn một số người dân thiếu ý thức khi đổ rác không đúng giờ, đúng nơi quy định.
Thực trạng trên cũng đang diễn ra tại nhiều xã thuộc các huyện Chương Mỹ, Quốc Oai, Thạch Thất, Phú Xuyên, Thường Tín… Phiên giải trình công tác quản lý nhà nước về thu gom, xử lý chất thải rắn, do Thường trực HĐND TP Hà Nội tổ chức vào tháng 9-2017 cũng đã chỉ rõ: Một bộ phận nhân dân thiếu ý thức, xả rác thải không đúng quy định nhưng chưa được chính quyền quan tâm xử lý vi phạm; tình trạng thiếu trạm trung chuyển rác, rác thải thu gom chờ vận chuyển phải tập kết trên đường gây mất an toàn giao thông, ô nhiễm môi trường và mỹ quan đô thị…
Hành vi vứt rác không đúng nơi quy định đã có chế tài xử phạt cụ thể. Theo đó, thẩm quyền xử phạt là UBND các cấp, công an xã, phường, thị trấn và cán bộ trật tự công cộng đang thi hành nhiệm vụ liên quan đến bảo vệ môi trường. Tuy nhiên, việc xử phạt vẫn chưa được thực hiện nghiêm.
Ông Nguyễn Tiến Hải cho biết thêm, do hành vi đổ trộm diễn ra bất kỳ lúc nào nên rất khó bố trí đủ lực lượng để đi kiểm tra, xử phạt. Trong khi đó, huyện Thanh Oai có hơn 50 điểm tập kết rác tạm thời nhưng một số điểm bố trí chưa hợp lý, quy mô nhỏ, gần khu dân cư, đường quốc lộ, tỉnh lộ… Khắc phục bất cập này, huyện đã chỉ đạo các xã, thị trấn rà soát, chuyển điểm tập kết rác ra xa các tuyến đường lớn, xa khu dân cư. Còn tại huyện Chương Mỹ, hiện có 25 điểm tập kết rác thải tạm thời, để đáp ứng nhu cầu, năm 2018 huyện sẽ xây dựng thêm 9 điểm tập kết mới.
Qua tìm hiểu, việc thu gom rác thải sinh hoạt ở nông thôn không giống khu vực nội thành, bởi số lượng ngõ, xóm nhiều, công tác thu gom khó khăn do hạ tầng đường giao thông yếu kém. Mặt khác, sau một năm chính quyền cơ sở thực hiện thu giá dịch vụ vệ sinh môi trường (trước đây do các công ty vệ sinh môi trường thực hiện), với mức thu chỉ 3.000 đồng/người/tháng, chưa bù đắp được chi phí vệ sinh môi trường để tăng số lần thu gom hoặc quét đường giao thông… Vì vậy, nhiều ý kiến đề xuất cần tiếp tục điều chỉnh mức thu giá dịch vụ để bảo đảm phù hợp với thực tế.
Ngoài ra, để làm tốt công tác này rất cần sự vào cuộc, làm tròn trách nhiệm của chính quyền cơ sở trong việc quyết liệt kiểm tra, đôn đốc thu gom rác thải. Bên cạnh đó, cần đẩy mạnh tuyên truyền, vận động nâng cao ý thức người dân đổ rác đúng giờ, đúng nơi quy định; tăng cường xử phạt để răn đe các đối tượng vi phạm, qua đó có ý thức giữ gìn vệ sinh môi trường chung.
Báo Tài nguyên và Môi trường