• Trang chủ   >
  • Tin tức   >
  • Hậu Giang: Thực hiện nhiều giải pháp phòng, chống hạn hán, xâm nhập mặn năm 2018

Nhằm thực hiện tốt công tác phòng, chống hạn hán, xâm nhập mặn năm 2018, hiện tỉnh Hậu Giang đã và đang triển khai nhiều giải pháp để bảo vệ, tích trữ nguồn nước phục vụ cho sinh hoạt, trồng trọt, sản xuất của người dân.
 

chú thích ảnh công trình cống ngăn mặn cặp kênh Xáng Xà No tại xã Tân Hòa, huyện Châu Thành A, Hậu Giang


 

Theo ông Trần Thanh Toàn, Chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi, Chánh Văn phòng Ban chỉ huy phòng, chống thiên tai - tìm kiếm cứu nạn (PCTT-TKCN) tỉnh Hậu Giang thì, từ đầu năm 2018 đến nay, tình hình xâm nhập mặn đã diễn ra trên địa bàn tỉnh Hậu Giang. Cụ thể, từ ngày 1 đến ngày 3/3/2018, độ mặn đo được tại cống Ba Cô thuộc xã Lương Nghĩa, huyện Long Mỹ là 2,7‰, tuy nhiên đến ngày 5/3/2018 thì độ mặn tại đây đã giảm xuống còn 0,8‰, các điểm còn lại trên địa bàn huyện Long Mỹ cũng chỉ dao động từ 0,1 đến 0,5‰. Còn tại địa bàn TP. Vị Thanh, từ đầu năm 2018 đến nay độ mặn cao nhất đo được là 0,7‰, hiện tại dao động từ 0,3 đến 0,4‰. Mặc dù độ mặn đo được từ đầu năm đến nay ở huyện Long Mỹ và TP. Vị Thanh thấp hơn so với cùng thời điểm năm 2015 và 2016, nhưng các cơ quan chức năng, chính quyền địa phương tỉnh Hậu Giang đang chủ động thực hiện các giải pháp phòng, chống hạn hán, xâm nhập mặn.
 

Hiện tại, các Sở, ngành chức năng tỉnh Hậu Giang đang phối hợp chặt chẽ với Đài KTTV khu vực và tỉnh để nắm bắt tình hình và xây dựng kế hoạch dự báo, cảnh báo về tình hình xâm nhập mặn, xây dựng các trạm đo mặn, đo mực nước tại các cửa sông chính nhằm kiểm soát mặn từ Biển Đông và Biển Tây vào địa bàn tỉnh. Tập trung triển khai đắp 109 đập thời vụ; nâng cấp, sửa chữa 7 cống ngăn mặn; thực hiện 15 công trình nạo vét kênh cấp 2 và cấp 3 ở vùng bị hạn hán, xâm nhập mặn.
 

Bên cạnh đó, "Tỉnh Hậu Giang đã có kế hoạch phối hợp với các dịch vụ viễn thông nhắn tin độ mặn qua điện thoại di động cho các thành viên Ban chỉ huy PCTT-TKCN tỉnh, huyện, thị xã, thành phố và Chủ tịch UBND xã, phường, thị trấn trên địa bàn bị ảnh hưởng mặn. Đồng thời, phối hợp với các địa phương tổ chức rà soát số hộ bị thiếu nước ngọt sinh hoạt, nhất là hộ nghèo, cận nghèo, gia đình chính sách, đồng bào dân tộc thiểu số để kịp thời thực hiện giải pháp hỗ trợ..."- Ông Trần Thanh Toàn, Chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi, Chánh Văn phòng Ban chỉ huy PCTT-TKCN tỉnh Hậu Giang cho biết.
 

Ngoài ra, Văn phòng Ban chỉ huy PCTT-TKCN tỉnh Hậu Giang cũng đã đề nghị các địa phương tập trung, chủ động thực hiện các giải pháp trong phòng, chống hạn hán và xâm nhập mặn theo kế hoạch. Trong đó đẩy mạnh việc kiểm tra, rà soát hệ thống đê bao, cống, đập ngăn mặn để khi có mặn ở mức 1,5‰ thì tiến hành đóng tất cả các dòng kênh vào nội đồng. Tăng cường công tác tuyên truyền, vận động người dân sử dụng các dụng cụ tích trữ nước ngọt nhằm đảm bảo đủ nước sinh hoạt và phục vụ sản xuất trong mùa hạn, mặn...

 
Nguồn: Báo tài nguyên và môi trường