Chất thải nhựa trôi nổi trên biển đang là vấn đề được quan tâm hàng đầu hiện nay trên thế giới. Ở nhiều khu vực biển, chất thải nhựa đã trở thành nỗi kinh hoàng khi không ít quốc gia xả thẳng rác thải, chất thải sinh hoạt xuống biển. Việt Nam cũng không nằm ngoài mối nguy cơ ô nhiễm chất thải nhựa trên biển, tuy vậy, việc đánh giá thực trạng phát sinh, kiểm soát, quản lý chất thải nhựa trên biển còn chưa thực sự được quan tâm, chưa có những quy định cụ thể về quản lý chất thải nhựa biển.
Gấp rút kiểm soát chất thải nhựa trên biển
Việc kiểm soát, quản lý chất thải nhựa trên biển chưa thực sự được quan tâm. Ảnh: MH
Theo kết quả điều tra dự án do Cục Điều tra và Kiểm soát Tài nguyên môi trường Biển thực hiện, chất thải nhựa đang gây ô nhiễm môi trường biển tại các vùng biển Quảng Ninh - Hải Phòng, Đà Nẵng - Quảng Nam và Bà Rịa Vũng Tàu - TP. Hồ Chí Minh gồm có nguồn thải trên đất liền và nguồn thải trên biển.
 
Nguồn thải trên đất liền chủ yếu là nguồn thải gắn với các hoạt động đô thị hóa và công nghiệp hóa vùng ven biển. Cụ thể: ở khu vực Quảng Ninh - Hải Phòng, nước thải từ các cơ sở sản xuất công nghiệp hầu hết không qua xử lý khiến nước trên nhiều đoạn sông đen đặc nước thải với chất thải rắn bốc mùi hôi nồng nặc. Nước thải sinh hoạt cũng không qua xử lý được đổ thắng xuống các hồ, sông trên địa bàn làm gia tăng ô nhiễm môi trường nước.
 
Trong khi đó, chất thải rắn sinh hoạt chưa được thu gom triệt để, việc xử lý chủ yếu là chôn lấp. Một số địa điểm chôn lấp rác của TP. Hạ Long như: Hà Lầm, Hà Khẩu luôn trong tình trạng quá tải. Ngoài ra, người dân sống bên bờ vịnh có thói quen đổ trực tiếp rác thải ra vịnh. Riêng ở khu vực Đà Nẵng - Quảng Nam, mặc dù nước thải sinh hoạt của TP. Đà Nẵng đã được thu gom, xử lý tập trung trước khi thải ra sông và biển, tuy vậy, vẫn còn một số khu vực nước thải chưa được xử lý, một số vị trí cống đô thị riêng lẻ, nước thải được thải trực tiếp vào biển Đông và vịnh Đà Nẵng. Các khu kinh tế, cụm công nghiệp ven biển Đà Nẵng - Quảng Nam cũng có nhiều tác động đến chất lượng nước biển vùng ven bờ bởi vì lượng rác thải mang ra môi trường là rất lớn cũng như mức độ nguy hiểm của các chất thải.
 
Theo Sở TN&MT Hải Phòng, tổng lượng chất thải rắn phát sinh tại các cảng của thành phố hơn 4.200 tấn/năm. Không chỉ hoạt động giao thông, quá trình tháo dỡ, nhận, xếp, bảo quản, vận chuyển, giao hàng hóa tại các bến cảng cũng tạo ra nhiều chất thải. Rác thải từ hàng hóa đổ vỡ, rơi vãi, vật liệu chèn lót, chằng buộc hàng cũng được đổ thẳng xuống biển sau khi kết thúc giao hàng. Trong khi đó, hầu hết, các phương tiện thủy nội địa đều thiếu bộ phận thu gom chất thải, ý thức chấp hành quy định an toàn hàng hải và vệ sinh môi trường của các chủ phương tiện chưa cao nên thường gây ô nhiễm môi trường vùng nước biển ven bờ.
 
Với hoạt động du lịch, tình trạng ô nhiễm tại các khu du lịch và nghỉ dưỡng ven biển ở nước ta hiện nay rất phổ biến. Nhiều điểm du lịch không có thùng rác công cộng, hệ thống xử lý nước thải, rác thải sinh hoạt yếu kém, vì vậy, ảnh hưởng rất lớn đến thẩm mỹ, cảnh quan tự nhiên, chất lượng các nguồn nước.
 
Để giải quyết vấn đề rác nhựa trên biển, nhiều tỉnh, thành phố đã có kế hoạch, thu gom như khu vực Bà Rịa Vũng Tàu và TP. Hồ Chí Minh, có nhiều giải pháp để kiểm soát ô nhiễm công nghiệp, trong đó, tập trung vào việc xử lý nước thải tập trung tại khu công nghiệp, di dời và xử lý các cơ sở sản xuất gây ô nhiễm môi trường. Bên cạnh việc xử lý chất thải rắn, trong đó, có chất thải nhựa bằng phương pháp chôn lấp, đã có những cơ sở tái chế chất thải nhựa đặc biệt là túi ni lông thải thành các vật liệu xây dựng, vật liệu Composite.
 
Về phương pháp này, Viện Vật liệu xây dựng (Bộ Xây dựng) đã nghiên cứu và xây dựng thành công quy trình công nghệ xử lý tái chế rác thải ni lông làm ván ép nhựa dùng để thay thế gỗ, sắt thép cho một số lĩnh vực đặc thù nhất định trong xây dựng. Loại ván ép này đã được Viện Vệ sinh an toàn lao động (Bộ Y tế) kiểm nghiệm cho kết quả an toàn với môi trường và con người. Thiết bị của dây chuyền xử lý tái chế rác thải ni lông làm vật liệu xây dựng cũng khá đơn giản, gồm máy xé túi ni lông, máy sấy rửa, máy sấy và máy nghiền ni lông. Đặc biệt, công nghệ thiết bị này có thể được cung cấp từ các nguồn nhập khẩu hoặc do Việt Nam tự chế tạo. Việt Nam cũng đã xây dựng thành công công nghệ tái chế nhựa PET phế thải thành nhựa Polyester không no để chế tạo vật liệu Composite ứng dụng trong nhiều lĩnh vực như giao thông vận tải, xây dựng, thủy sản và bưu chính viễn thông.

Ngoài các giải pháp về kỹ thuật, để quản lý, kiểm soát ô nhiễm chất thải nhựa trên biển, cần xử lý triệt để các cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng, xử lý tốt các loại nước thải, chất thải rắn, tăng cường tái chế chất thải nhựa giúp làm giảm lượng chất thải nhựa đi vào môi trường biển. Tuy vậy, hiện nay, Việt Nam còn rất thiếu hệ thống các cơ quan quản lý, kiểm soát môi trường biển, đặc biệt là các lực lượng thực thi nhiệm vụ trên biển như: Ủy ban Tìm kiếm cứu nạn, Cảnh sát biển, Bộ đội biên phòng, Hải quân; thực thi các văn bản quy phạm pháp luật về kiểm soát môi trường như: ĐTM, ĐMC, tiêu chuẩn môi trường đối với hoạt động trên biển, ven biển; thực hiện quan trắc, giám sát, thanh tra đối với các hoạt động trên biển; thu gom, xử lý chất thải có nguồn gốc từ các hoạt động trên biển, ven biển; điều tra, đánh giá hiện trạng rác thải trôi nổi không rõ nguồn gốc trên biển.

Chính sách pháp luật và bộ máy kiểm soát ô nhiễm môi trường biển còn rất thiếu và yếu. Các cơ quan chức năng cần kiện toàn lại hệ thống các cơ quan quản lý, kiểm soát môi trường biển, phân định rõ chức năng, nhiệm vụ của các bên liên quan trong quản lý, kiểm soát môi trường biển nói chung, quản lý, kiểm soát rác thải biển nói riêng; hoàn thiện mạng lưới quan trắc môi trường biển trong đó có quan trắc chất thải nhựa biển nhằm theo dõi xu hướng, diễn biến của chất thải nhựa trong các vùng biển và ven biển; xây dựng cơ sở dữ liệu về lượng (số lượng và khối lượng), thành phần chất thải nhựa có trên biển và lượng, thành phần chất thải nhựa đi vào biển hàng năm, lượng thu gom và xử lý chất thải nhựa biển. Đặc biệt là xây dựng các văn bản pháp luật chuyên sâu nhằm kiểm soát, hạn chế nguồn thải nhựa ra biển.

Bên cạnh đó, cần áp dụng các công cụ kinh tế để điều chỉnh hành vi của nhà sản xuất và người tiêu dùng, qua đó, cắt giảm tối đa lượng chất thải nhựa phát sinh, đồng thời tăng cường nghiên cứu, phát triển khoa học và công nghệ phục vụ quản lý, kiểm soát hiệu quả chất thải nhựa biển; đa dạng hóa các hình thức tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức về chất thải nhựa biển.
Báo Tài nguyên và Môi trường