Sáng ngày 05/6/2017, tại thành phố Vũng Tàu, tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu, Bộ Tài nguyên và Môi trường phối hợp với Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) tổ chức Hội nghị “Đối thoại chính sách về môi trường và phát triển bền vững” tại khu vực phía Nam. Hội nghị là một trong những nội dung của Tháng Hành động vì môi trường do Bộ Tài nguyên và Môi trường phát động trên phạm vi toàn quốc nhằm hưởng ứng Ngày Môi trường thế giới năm 2017.
Tham dự Hội nghị có Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Nguyễn Linh Ngọc; ông Võ Tân Thành, Phó Chủ tịch VCCI; ông Lê Tuấn Quốc, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu; ông Nguyễn Văn Tài, Tổng cục trưởng Tổng cục Môi trường; cùng đại diện các Bộ, Ban, ngành Trung ương; lãnh đạo các đơn vị trực thuộc Bộ Tài nguyên và Môi trường và Tổng cục Môi trường; đại diện lãnh đạo các Sở Tài nguyên và Môi trường các tỉnh phía Nam, lãnh đạo các tổng công ty, công ty, doanh nghiệp khu vực phía Nam.
Phát biểu khai mạc Hội nghị, Thứ trưởng Nguyễn Linh Ngọc cho biết, trong những năm qua, cùng với tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế ngày càng sâu sắc và toàn diện, kinh tế nước ta đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng, khẳng định được vị thế trên trường quốc tế. Hiện nay, Việt Nam đang là điểm đến hấp dẫn đối với các nhà đầu tư nước ngoài, đặc biệt là các tập đoàn đa quốc gia. Đây là cơ hội tốt để các doanh nghiệp Việt Nam phát triển, mở rộng hợp tác kinh doanh và trở thành một phần trong chuỗi giá trị của các tập đoàn đa quốc gia. Tuy nhiên, cùng với sự phát triển kinh tế - xã hội, thực trạng môi trường đang nảy sinh nhiều hệ lụy phức tạp, trong đó, vấn đề ô nhiễm, suy thoái môi trường đang có xu hướng gia tăng, ngày một gay gắt, đe dọa trực tiếp tới các thành quả về phát triển.
Hơn nữa, phát triển bền vững tiếp tục được coi là mục tiêu phát triển trọng tâm của thế giới trong những thập niên tới với việc Hội nghị Thượng đỉnh Liên hợp quốc được tổ chức tại New York năm 2015 đã thông qua Chương trình nghị sự 2030 về Phát triển bền vững, xác định 17 mục tiêu và 169 chỉ tiêu phát triển bền vững, trong đó có nhiều mục tiêu, chỉ tiêu về môi trường hoặc liên quan đến môi trường. Tháng 4 năm 2016, tại Trụ sở Liên hợp quốc, đã có 170 quốc gia trên thế giới, trong đó có Việt Nam ký Thoả thuận Paris về biến đổi khí hậu, đánh dấu một bước tiến quan trọng trong việc chống lại biến đổi khí hậu, mở ra kỷ nguyên mới - kỷ nguyên phát triển phát thải các-bon thấp với các mô hình sản xuất và tiêu dùng xanh, hạn chế sử dụng và tiến tới xóa bỏ nhiên liệu hóa thạch, tăng cường đầu tư phát triển và sử dụng năng lượng tái tạo, góp phần thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững.
Vì vậy, Hội nghị “Đối thoại chính sách về môi trường và phát triển bền vững” được tổ chức tại khu vực phía Nam là nơi giao lưu, đối thoại giữa các cơ quan quản lý Nhà nước về môi trường, các địa phương với các doanh nghiệp, nhằm tìm ra các giải pháp phù hợp, thúc đẩy phát triển kinh tế song song với bảo vệ môi trường hướng tới phát triển bền vững; cũng như tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp có cơ hội phát triển, hội nhập với nền kinh tế thế giới.
“Ngoài việc giải đáp, tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp, Hội nghị còn là dịp để cơ quan quản lý về môi trường lắng nghe ý kiến phản hồi từ thực tiễn của doanh nghiệp để tiếp tục hoàn thiện chính sách, pháp luật về các lĩnh vực tài nguyên và môi trường; đồng thời tăng cường tính công khai, minh bạch, tạo lập môi trường thuận lợi cho đầu tư và kinh doanh, kiến tạo cho phát triển, phục vụ tốt hơn nữa yêu cầu của doanh nghiệp.” – Thứ trưởng Nguyễn Linh Ngọc nhấn mạnh.
Toàn cảnh Hội nghị
Tại Hội thảo, các đại biểu đã tập trung trao đổi thẳng thắn, làm rõ những nội dung về sửa đổi, hoàn thiện Luật Bảo vệ môi trường, các văn bản pháp luật liên quan, nguồn lực đầu tư cho lĩnh vực sản xuất và tiêu dùng bền vững, công nghệ xử lý môi trường và công nghệ thân thiện với môi trường, các vấn đề môi trường cấp bách đối với khu vực phía Nam trong giai đoạn hiện nay như quản lý môi trường các khu kinh tế, khu công nghiệp, những vấn đề thực tiễn đối với doanh nghiệp trong việc tuân thủ các quy định pháp luật về bảo vệ môi trường, kiểm soát ô nhiễm môi trường nước, đánh giá tác động môi trường, quản lý chất thải nguy hại, vận hành thử nghiệm các công trình xử lý chất thải, thanh tra, kiểm tra, giám sát về bảo vệ môi trường.
Bộ Tài nguyên và Môi trường cũng khẳng định sẽ tiếp tục tổ chức định kỳ các diễn đàn đối thoại chính sách nhằm trực tiếp lắng nghe các kiến nghị của cộng đồng doanh nghiệp trên cơ sở đó hoàn thiện hệ thống thể chế, chính sách tạo điều kiện cho các doanh nghiệp phát triển sản xuất kinh doanh bền vững, gắn sự phát triển của doanh nghiệp với bảo vệ môi trường và sử dụng hợp lý tài nguyên thiên nhiên.
Nguồn: monre.gov.vn