Đó là phát biểu của ông Lê Công Thành – Tổng Giám đốc Trung tâm Khí tượng Thủy văn quốc gia tại Khóa họp thường niên lần thứ 50 của Ủy ban Bão quốc tế và các hoạt động kỷ niệm 50 năm thành lập Ủy ban Bão quốc tế.
Khóa họp do Trung tâm Khí tượng Thủy văn (KTTV) quốc gia phối hợp với Ủy ban Bão quốc tế tổ chức vào ngày 28/2 tại Hà Nội, dưới sự chủ trì của hai tổ chức đồng sáng lập là Ủy ban Kinh tế và Xã hội Khu vực Châu Á Thái Bình Dương của Liên Hợp Quốc (UNESCAP) và Tổ chức Khí tượng Thế giới (WMO).
Ông Lê Công Thành - Tổng Giám đốc Trung tâm Khí tượng Thủy văn quốc gia cho biết: Kế hoạch chiến lược phát triển của Ủy ban Bão đã được thông qua vào kì họp thứ 49 của Ủy ban Bão. Nó đã nêu ra đóng góp của các quốc gia thành viên trong việc đạt được Mục tiêu phát triển bền vững của Liên Hiệp Quốc cũng như các kết quả mong đợi của Khung hành động Sendai về giảm nhẹ rủi ro thiên tai. Với những nỗ lực từ các quốc gia thành viên, chiến lược phát triển của Ủy ban Bão sẽ thành công trong việc giảm nhẹ và sẵn sàng đối phó với thiên tai trên thế giới, đặc biệt là các quốc gia trong khu vực Châu Á - Thái Bình Dương.
Với sự phát triển kinh tế - xã hội, Trung tâm KTTV quốc gia Việt Nam đang nỗ lực rất lớn trong việc đáp ứng những yêu cầu ngày càng cao của xã hội trong công tác dự báo khí tượng thủy văn và dự báo, cảnh báo thiên tai. Thông qua sự tham gia và đóng góp tích cực trong các hoạt động của Ủy ban Bão, Trung tâm đang nâng cao năng lực dự báo cũng như hiểu biết về các sự kiện khí tượng thủy văn cực đoan, và những thách thức lớn mà ngành Khí tượng Thủy văn đang phải đối mặt. Tham gia vào Ủy ban Bão, Việt Nam sẵn sàng chia sẻ với các nước thành viên trong khu vực cũng như quốc tế.
“Năm nay, chủ đề “weather-ready, climate – smart” đã được lựa chọn cho Ngày Khí tượng thế giới. Với chủ đề này, tất cả các thành viên của WMO sẽ trở thành “weather-ready” và “climate – smart” và cũng là những người sử dụng nước thông minh. Điều này rất cần thiết để hỗ trợ các chương trình nghị sự quốc tế về phát triển bền vững, giảm nhẹ rủi ro thiên tai và thích ứng với biến đổi khí hậu” – ông Lê Công Thành nhấn mạnh.
Theo Giáo sư Petteri Taalas - Tổng Thư ký, Tổ chức Khí tượng Thế giới, năm 2017 là một năm đặc biệt với xoáy thuận nhiệt đới trên quy mô toàn cầu. Tại khu vực Bắc Đại Tây Dương, số lượng các cơn bão và bão lớn (hạng 3 trở lên) đã tăng gấp đôi so với trung bình dài hạn. Trong khu vực này, dù số lượng bão có chút cao hơn so với trung bình nhưng thiệt hại kinh tế xã hội gây ra do bão là rất lớn. Ví dụ như trường hợp bão Hato đổ bộ vào vùng châu thổ sông Châu, một trong những khu vực đông dân và kinh tế phát triển.
Xoáy thuận nhiệt đới có sức tàn phá rất lớn. Một cơn xoáy thuận nhiệt đới có thể vô hiệu hóa một quốc gia khi nó đổ bộ vào một quốc gia hoặc quốc đảo nhỏ đang phát triển (ví dụ như Dominica hoặc Haiti năm 2017) và cũng có thể là các khu vực quốc gia phát triển (Harveyto Texas và Irmaand Mariato Puerto Rico ở Mỹ).
“70% thiên tai liên quan đến khí tượng và 70% trong số đó liên quan đến xoáy thuận nhiệt đới. Con số này cho thấy tầm quan trọng của xoáy thuận nhiệt đới cũng như Chương trình xoáy thuật nhiệt đới TCP của WMO. TCP là một chương trình kỹ thuật cao của WMO, tập trung vào việc phối hợp các hệ thống cảnh báo sớm xoáy thuận nhiệt đới ở tất cả các lưu vực sông bị ảnh hưởng bởi xoáy thuận nhiệt đới” - Giáo sư Petteri Taalas cho biết.
WMO đang xây dựng một chiến lược mới cho giai đoạn 2020-2030, với mục tiêu dài hạn là tăng cường khả năng phục hồi của các nước thành viên với các vấn đề thời tiết, khí hậu và môi trường. WMO thông qua TCP đang đóng góp vào mục tiêu toàn cầu của Khuôn khổ Sendai 2015 về Giảm thiểu thiệt hại do thiên tai gây ra và mục tiêu phát triển bền vững thông qua các dự báo, cảnh báo sớm xoáy thuận nhiệt đới với phương pháp tiếp cận ảnh hưởng đa tác động, từ đó tăng khả năng ứng phó với thiên tai có bản chất khí tượng thủy văn.
“Đối với vấn đề này, WMO đang nỗ lực phối hợp với các tổ chức liên hợp quốc (ESCAP, ITU, IFRC, vv…) và các tổ chức quốc tế khác để giúp đỡ cũng như hỗ trợ các nước thành viên trong việc xây dựng và thiếp lập các quy trình và nghị định để ứng phó với thiên tai khí tượng và đặc biệt là xoáy thuận nhiệt đới. Uỷ ban bão đã xây dựng Quy trình vận hành chuẩn – SSOP để giúp đỡ các nước thành viên thiết lập các chiến lược quốc gia về các hành động để ứng phó với các hiểm hạo gây ra do xoáy thuận nhiệt đới” - Giáo sư Petteri Taalas nhấn mạnh.
Theo Giáo sư Petteri Taalas, để tiến xa hơn trong tương lai, WMO đang xây dựng kế hoạch về một hệ thống thông tin dịch vụ nhằm cung cấp thông tin dự báo, cảnh báo có thẩm quyển để phục vụ cho tất cả các bên liên quan cũng như toàn thể cộng đồng. WMO đang phát triển Hệ thống Cảnh báo Đa thiên tai Toàn cầu (GMAS), đây sẽ là một thành phần quan trọng của hệ thống thông tin dịch vụ WMO.
Ông Kaveh Zahedi, Phó Tổng Thư kí Ủy ban Kinh tế Xã hội châu Á Thái Bình Dương Liên Hiệp Quốc (UNESCAP) cho biết: Trong báo cáo được công bố vào cuối tháng 10 vừa qua của ESCAP về Thiên tai của Châu Á - Thái Bình Dương năm 2017, ESCAP đã nhấn mạnh rủi ro thiên tai đã vượt qua khả năng thích ứng, với khoảng 2 triệu người chết, và 1.3 nghìn tỉ USD thiệt hại do lũ lụt, bão, hạn hán, động đất, sóng thần kể từ năm 1970. Và hậu quả là những thiên tai, trong đó có bão, đang tàn phá sự phát triển, đẩy nhóm người dễ bị tổn thương quay trở lại nghèo đói và làm trầm trọng thêm sự mất cân bằng giàu nghèo.
Các thành viên của Ủy ban Bão đã thống nhất đưa ra một số nhiệm vụ then chốt để hỗ trợ công việc và tham vọng của Ủy ban. Đó là: Cập nhật các kế hoạch và mục tiêu không chỉ để phù hợp với Chương trình nghị sự năm 2030 mà còn nhằm cải thiện tính dễ tổn thương của người dân và cộng đồng; mức độ phức tạp của thiên tai đòi hỏi phải có các biện pháp đối phó toàn diện và các hệ thống cảnh báo sớm; tận dụng những thứ tốt nhất mà công nghệ đã cung cấp cho Ủy ban ngày nay, bao gồm cơ hội đến từ ứng dụng dữ liệu rất lớn (big data).
Nguồn: baotainguyenmoitruong.vn